giải toán có lời văn lớp 1

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sau khi rời ghế trường sư phạm, tôi được phân công về giảng dạy tại trường tiểu học Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Một sinh viên mới ra trường với bao điều bỡ ngỡ, tôi lại được nhà trường phân công giảng dạy lớp 1. Trong quá trình trực tiếp đứng lớp, tôi nhận thấy việc hướng dẫn học sinh đọc để hiểu đề bài toán có lời văn và giải được bài toán quả là khó khăn, vất vả. Vốn từ ngữ, vốn kiến thức liên quan đến đời sống thực tế của học sinh lớp 1 còn nhiều hạn chế, tư duy của học sinh mang nặng yếu tố hình ảnh, cụ thể. Nhưng may mắn là tôi được nhà trường phân công giảng dạy lớp 1 nhiều năm liên tục nên bản thân đã có thời gian tích lũy kinh nghiệm về dạy toán có lời văn cho học sinh lớp 1. Tôi xin được chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp và các em học sinh.
Những bài toán có lời văn với hình ảnh minh hoạ
Trước hết, tôi hướng dẫn học sinh đọc đề và phân tích đề bài. Nội dung bài toán có lời văn ở lớp 1 được bắt nguồn từ những kiến thức thực tế liên quan đến đời sống. Bài toán được xây dựng thông qua những câu văn nói về những mối tương quan và phụ thuộc có liên quan tới cuộc sống hàng ngày thường xảy ra. Vì vậy, khi học sinh đọc xong đề bài, tôi hướng dẫn học sinh nêu lại đề bài một cách tóm tắt, lược bỏ hết những lời văn không cần thiết, chỉ nêu ra những yếu tố có mối liên quan đến nhau giữa các đại lượng có chứa yếu tố toán học. Sau đó, tôi hướng dẫn học sinh tóm tắt bài toán, dựa vào tóm tắt để nêu phép tính thích hợp.
Cụ thể, tôi đã tiến hành như sau:
1. Đọc và tìm hiểu nội dung bài toán.
Hướng dẫn cho học sinh hiểu mỗi bài toán có lời văn bao giờ cũng có hai phần đó là:
– Phần đã cho (giả thiết của bài toán).
– Phần phải tìm (kết luận của bài toán).
Tìm ra được mối quan hệ giữa phần đã cho và phần phải tìm (mối liên quan, phụ thuộc giữa giả thiết và kết luận).
2. Quy trình giải bài toán.
– Bước 1: Tóm tắt đề toán.
Hướng dẫn học sinh đọc kĩ bài toán, hiểu đúng từng câu văn, biết phân tích ý nghĩa thực tiễn của bài toán, trình bày lại bài toán một cách ngắn gọn, cô đọng phần đã cho và phần phải tìm để làm nổi bật trọng tâm của bài toán, thể hiện bản chất toán học của bài toán.
Hướng dẫn cho học sinh có 3 dạng chính tóm tắt bài toán, để học sinh lựa chọn cho phù hợp với từng bài toán cụ thể mà học sinh gặp trong quá trình học tập.
Cách 1: Tóm tắt dưới dạng các câu văn ngắn gọn.
Cách 2: Tóm tắt dưới dạng các sơ đồ đoạn thẳng.
Cách 3: Tóm tắt dưới dạng các hình vẽ.
– Bước 2: Lựa chọn phép tính thích hợp cho bài toán, tìm phép tính thích hợp để giải bài toán.
Hướng dẫn học sinh phân tích ý nghĩa các lời văn chú ý dựa vào các từ “khóa” có trong bài.
Dựa vào các dạng bài tập đã được phân chia để biết bài toán học sinh gặp phải thuộc dạng bài tập nào.
– Bước 3: Thực hiện phép tính.
Hướng dẫn học sinh sử dụng các bảng cộng, bảng trừ đã học để tìm kết quả của phép tính.
– Bước 4: Trình bày lời giải của bài toán.
3. Một số ví dụ.
Trong chương trình toán lớp 1, phần giải bài toán có lời văn chia làm hai giai đoạn.
+ Giai đoạn 1 từ tiết 1 đến tiết 74:
Trong mỗi bài toán hướng dẫn học sinh hiểu và nắm vững phần đã cho và phần phải đi tìm. Hiểu được cách tóm tắt bài toán dưới dạng các câu văn, chỉ yêu cầu học sinh điền số và kết quả phép tính vào ô trống ở bên phải (bên dưới) bài toán.
Ví dụ: (Bài 4 trang 47, Toán 1).
Gắn hình minh họa trên bảng lớp cho học sinh quan sát rồi hỏi:
– Trên cành cây có mấy con chim đang đậu? (Có 3 con chim).
– Có mấy 1 con chim đang bay đến đậu cùng hay bay đi? (Có 1 con chim đang bay đến đậu cùng).
– Vậy bài toán này đã được thêm vào 1 con chim hay đã được bớt đi 1 con chim? (Bài toán này đã được thêm vào 1 con chim).
– Cho học sinh nêu lại đề bài theo hình minh họa. (Trên cành cây có 3 con chim đang đậu, sau đó có 1 con bay đến đậu cùng. Hỏi trên cành cây có tất cả bao nhiêu con chim đang đậu?)
– Bài toán cho biết gì? (Có: 3 con chim đang đậu, Thêm: 1 con chim bay đến đậu cùng).
– Bài toán hỏi gì? (Trên cành cây có tất cả bao nhiêu con chim đang đậu?).
– Muốn biết trên cành cây có tất cả bao nhiêu con chim đang đậu, ta làm như thế nào? (Thực hiện phép tính 3 + 1)
Chỉ yêu cầu học sinh điền vào ô trống bên dưới bài toán như sau:
3 + 1 = 4

+ Giai đoạn 2 từ tiết 74 đến hết:
Ở giai đoạn này chủ yếu là các bài toán được viết dưới dạng tóm tắt hoặc đầy đủ cả lời văn, nhưng yêu cầu cao hơn đối với học sinh các em phải viết đầy đủ bài giải của bài toán bao gồm câu trả lời, phép tính và đáp số.
Ví dụ: (Bài 2 trang 151, Toán 1).
Gọi 2 học sinh đọc bài toán, cả lớp đọc thần và hỏi:
– Bài toán cho biết gì? (Tổ em có: 9 bạn, trong đó có: 5 bạn nữ).
– Bài toán hỏi gì? (Tổ em có mấy bạn nam?)
– Muốn biết tổ em có mấy bạn nam, ta làm như thế nào? (thực hiện phép tính 9 – 5)
Hướng dẫn để học sinh viết câu trả lời, phép tính và đáp số của bài toán.
Tổ em có số bạn nam là:
9 – 5 = 4 (bạn)
Đáp số: 4 bạn nam.
Ngoài cách viết câu trả lời của bài toán là dựa vào câu hỏi của bài toán như trong bài giải ở trên, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh viết câu trả lời theo nhiều cách khác nhau như: Số bạn nam của tổ em là; có số bạn nam là; số bạn nam tổ em là; số bạn nam là; số bạn nam có là;số bạn nam trong tổ em là; tổ em có số bạn nam là; …

Da sind einmal bilder des Mehr Info bekommen versinkens und verschlungenwerdens.